Nước Việt Nam cộng sản thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí, nhưng thuộc vào trong số những địch thủ tàn bạo nhất của tự do ngôn luận. Các nhà hoạt động trong Internet mạo hiểm rất nhiều.
Matthias Lohre
Phan Ba dịch từ Thời Báo [Die Zeit]
Chuyến đi ra tự do của ông chỉ kéo dài có 24 phút. Nguyễn Văn Đài ngồi trong một quán cà phê nhỏ ở Hà Nội. Nhạc pop ngọt ngào vẳng ra từ radio, ông kể lại, khi là một luật sư trẻ tuổi ông đã giảng dạy cho các sinh viên luật, rằng quyền con người cũng có hiệu lực cho những người bất đồng chính kiến. Và rồi năm 2007 bị kết án bốn năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” như thế nào. Ông sống qua những tháng từ đầu tiên với nước lã và cơm, xung quanh có cho tới 32 bạn tù. “Mùa đông thì ổn, nhưng mùa hè thì rất nóng.”
Nguyễn vừa mới nói, tình hình chính trị trong nước ngày nay đã “tốt hơn một chút”, thì gian phòng đã đầy những bộ đồng phục màu xanh và comlê đen. 13 nhân viên an ninh chìm và trật tự địa phương bao quanh người luật sư như một cái hàng rào. Sợ hãi, ông vội quay trở về căn hộ của ông, và trong quán cà phê, một bài hát nhạc pop khác ca ngợi chiến thắng của tình yêu.
Giới lãnh đạo Việt Nam vẫn còn đi dây thành công một cách đáng ngạc nhiên. Đất nước này thuộc trong số những địch thủ tàn bạo nhất của tự do báo chí và tự do ngôn luận, và đồng thời lại thúc đẩy du lịch. Hầu như không một chế độ nào sợ các truyền thông mới nhiều hơn là Đảng Cộng sản ở đó – và đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí trong nước. Trên những bức tường dán áp phích, búa liềm đập vào mắt bên cạnh quảng cáo cho chiếc máy tính bảng mới nhất
Chính phủ cùng đọc
Ai xa rời các quy định phát ngôn được trung ương đưa ra, người đó có nguy cơ bị án tù cho tới 20 năm. Human Rights Watch ước đoán con số tù chính trị lên đến 200. Chỉ riêng 2013 đã có 63 người bị kết án và giam cầm vì những lý do về chính trị. Trong Chỉ số Tự do Báo chí của Phóng viên Không Biên giới, Việt Nam tiếp tục trượt xuống – hạng 174 của 180 nước. Tổ chức phi chính phủ này nhận định, Việt Nam “ngày nay là nhà tù lớn thứ hai cho blogger và công dân mạng sau Trung Quốc”.
Thế tại sao luật sư Nguyễn lại nói ngày nay tình hình ở Việt Nam đã “tốt hơn một chút”? Câu trả lời có liên quan tới chính sách lớn, với những người được gọi là thấp cổ bé miệng – và Internet.
Ông vẫn bình thường, Nguyễn nhắn tin vài giờ sau cuộc gặp bị phá vỡ. Ông không bị đánh đập, nhưng hẳn là không được phép rời khỏi căn hộ của ông trong vài tuần. Tin này đến với thế giới bên ngoài qua thư điện tử. Chính phủ Việt Nam có lúc chận các trang mạng và có lẽ cũng cùng đọc thư điện tử. Mặc dù vậy, các nhà hoạt động dân chủ như Nguyễn vẫn tìm được cách để cất tiếng nói trong mạng.
Tranh chấp với Trung Quốc đánh lạc hướng
Bầu không khí trong nước dường như vẫn còn thiên về phía chính phủ. Từ khi các cải cách kinh tế thị trường bắt đầu trong những năm 80, tổng sản phẩm nội địa đã tăng liên tục. Du lịch, xuất khẩu nguyên liệu, nhà máy may mặc và điện tử góp phần để cho nó tăng hàng năm từ 5 tới 8,5 phần trăm trong vòng mười lăm năm vừa qua. Nhưng cùng với sự thịnh vượng, một nhận thức về những tình trạng bất cập trong xã hội cũng hình thành ở nhiều người Việt.
Nông dân trên khắp nước chống lại những nhân viên nhà nước muốn đuổi họ ra khỏi đất đai của họ bằng các thủ đoạn chính quyền. Các tiếng nói khác phê phán cách xử lý của giới lãnh đạo trong xung đột với láng giềng Trung Quốc to lớn là quá mềm yếu. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền những phần lớn của quần đảo Trường Sa. Họ phỏng đoán có những nguồn tài nguyên to lớn ở đó. Cũng vì vậy mà giới lãnh đạo ở Hà Nội đã cho phép những cuộc biểu tình mới đây lâu tới như vậy: để phô trương sức mạnh với Bắc Kinh và để lấy đi bớt áp lực trong nước.
Nhưng áp lực từ người dân đang tăng lên. Và cùng với nó là phản áp lực từ trên xuống. Đất nước 90 triệu dân này có hơn 850 tờ báo và tạp chí, 66 đài truyền hình và phát thanh và 80 tờ báo trực tuyến. Tất cả họ đều đứng dưới sự kiểm soát trung ương của ban tuyên giáo ở Hà Nội. Nghị định 72 có hiệu lực từ tháng Chín 2013. Nghị định này cấm người Việt loan truyền thông tin có thể “gây hại cho lợi ích quốc gia”. Người dùng Internet không được phép lan truyền “thông tin chung” trong thư điện tử, trên blog hay trong các mạng xã hội nữa. Tờ tạp chí Mỹ Time giật tít gọn: “Hãy chỉ quan tâm tới chuyện của người nổi tiếng thôi”.
Có nghĩa là gì, khi chính cuộc sống của mình nằm hoàn toàn trong tay của sự độc đoán nhà nước, điều này thì Phạm Bá Hải biết rất rõ. Phạm, một người đàn ông cường tráng độ bốn mươi lăm có đầu cạo trọc, đã thách thức giới lãnh đạo nhà nước trước đây tám năm. Cùng với 117 nhà hoạt động khác, ông công bố trong Internet dưới tên “Khối 8406″ một “Tuyên ngôn Dân chủ và Tự do cho Việt Nam 2006″. Trong đó họ tố cáo “chính quyền cộng sản độc tài” tham nhũng và đàn áp người dân. Họ yêu cầu đa nguyên, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Một cuộc tấn công trực tiếp vào Đảng Cộng sản.
Phạm bị bắt giam. Lúc hỏi cung, nhân viên nhà nước đặt hàng chồng giấy lên bàn: toàn bộ trao đổi thư từ điện tử của ông, được in ra đàng hoàng. Hacker của chính phủ đã giật quyền kiểm soát máy tính của ông. Phạm bị bắt tạm giam 25 tháng, ngay cả theo các quy định lỏng lẻo của Luật Hình sự Việt Nam thì cũng là quá lâu. Cuối cùng, một tòa án tuyên xử ông năm năm tù. Sau khi được trả tự do là hai năm quản thúc tại gia. Mãi cho tới tháng Chín 2013, Phạm mới được phép đi lại tự do.
Để không bị như Nguyễn Văn Đài, ông tiến hành những biện pháp phòng ngừa. Chúng tôi đi trong một chiếc taxi qua những con đường đông đúc của Thành phố Hồ Chí Minh. Chiếc xe dừng lại trước một quán cà phê hiện đại trong thành phố. Khách du lịch uống cà phê đá của họ ở đây bên cạnh người bản xứ, nhạc pop vang ra thật to từ những cái loa.
Luôn mã hóa
“Chừng nào mà kinh tế còn phát triển”, Phạm nhận định, “thì phần lớn người Việt sẽ không càu nhàu”. Thế nhưng cả nền kinh tế mẫu mực của Đông Nam Á cũng đã bắt đầu có khủng hoảng. Từ khi Việt Nam bước vào Tổ chức Thương mại Thế giới, ranh giới của nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã lộ ra. Tăng trưởng kinh tế không còn đủ để tạo 1,2 triệu việc làm mới hàng năm cho một dân số đang tăng bất chấp chính sách hai con. Lạm phát làm hao mòn tiền tiết kiệm của giới trung lưu, và cái nghèo hầu như không còn co lại nữa, vì lương tăng rất ít.
Phạm Bá Hải chắc chắn: lần này thì các yêu cầu của những nhà hoạt động nhân quyền sẽ thành công nhiều hơn là trước đây vài năm. “Ngày nay, tình hình đã tốt hơn nhiều”, Phạm nói, “vì có Internet.”
Trước đây, tin một blogger bị bắt hay bị tuyên xử tới được với giới công chúng quan tâm trong vòng nhiều ngày hay nhiều tuần. Ngày nay, nhờ Facebook và blog mà chỉ cần vài giây. Các nhà hoạt động không còn nói với nhau qua điện thoại di động nữa, mà là qua Skype. Nhiều người sử dụng đường dây Internet được mã hóa. Liệu điều đó có thật sự bảo vệ chống lại được sự giám sát được hay không thì không ai biết chính xác.
“Tất nhiên là tôi cảm thấy bị đe dọa”
Trong lúc nói, Phạm vẫn quan sát dãy cửa sổ nhìn ra đường. Ở đây thì không ai có thể bắt được ông mà không có ai đó đưa hình hay video của họ lên Internet. “Tất nhiên là tôi cảm thấy bị đe dọa”, ông nói. Nhưng ông nghĩ rằng ông tương đối được an toàn, vì ông lưu tâm tới một đường lối rõ ràng: “Trong công việc của tôi, tôi chỉ tập trung vào nhân quyền, không tập trung vào quyền chính trị.” Ông yêu cầu thực thi những quyền cơ bản đã được đưa ra trong Hiến Pháp. Ví dụ như các điều kiện giam giữ.
Chiến thuật của ĐCS dường như đã rõ ràng: Cho tới chừng nào mà sự độc quyền thống trị của chúng tôi không bị hoài nghi thì chúng tôi sẵn sàng nhượng bộ. Tại sao chính phủ không ngăn chận vĩnh viễn việc truy cập tới những trang mạng mà họ không thích?
Lời giải thích của Phạm Bá Hải thật đơn giản: vì họ hưởng lợi từ sự tồn tại của chúng. Những trang mạng như trang Defend the Defendersphục vụ như là bằng chứng cho sự khoan dung của chế độ. Thêm nữa, các cơ quan nhà nước biết được những người hoạt động nhân quyền đang nghĩ gì. Cho tới chừng nào mà họ không kêu gọi hành động thì những người giám sát cứ để cho các blogger hoạt động.
“Có thể liên lạc với tôi vào bất cứ lúc nào”
Và vì vậy mà giới blogger Việt Nam giao động giữa lạc quan và hoài nghi, giữa vui mừng và sợ hãi. Đất nước của họ phát triển theo hướng nào, điều này thì có thể là cả ĐCS trước đây toàn năng cũng không biết.
Phạm Bá Hải đi về. Khi rời quán cà phê, ông nhìn quanh xem có người theo dõi hay không. Ông chìa tay cho người khách tới thăm và nói, ông hy vọng sớm gặp lại. “Có thể liên lạc với tôi vào bất cứ lúc nào.”
Matthias Lohre
Phan Ba dịch từ Thời Báo [Die Zeit]
Bản dịch nguồn: http://phanba.wordpress.com/2014/06/06/bua-liem-va-internet/
No comments:
Post a Comment