20 December 2011

CUỘC PHỎNG VẤN của HỆ THỐNG ĐÀI SAIGON NETWORK với anh PHẠM BÁ HẢI về THUYỀN NHÂN VIỆT NAM HỒI HƯƠNG Vào ngày 30 tháng 11 năm 2011

Nguyễn Chính Kết: …Ngày 24 tháng 11 vừa qua, anh Phạm Bá Hải đã viết một Thỉnh nguyện thư gửi Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc để xin các cơ quan quyền lực cao nhất này cứu xét nhân đạo cho tái định cư những thuyền nhân bị cưỡng bức hồi hương trước đây hiện đang phải sống dưới chế độ độc tài CS. Anh Hải là người hiểu rất rõ và rất thao thức về hoàn cảnh sống hết sức khó khăn hiện nay của những người đã từng vượt biên bằng đường biển cũng như đường bộ để tìm tự do, nhưng khi đã đến được nước thứ hai thì bị quốc tế cưỡng bức trở về VN. Khi trở về VN, họ bị chính quyền VN đối xử như những tội phạm, tội vượt biên trái phép, tội không chấp nhận chế độ CS, và đương nhiên họ bị CSVN nghi ngờ, bị liệt vào loại công dân hạng hai. Vì thế hôm nay chúng tôi kính mời anh Hải trình bày về Thỉnh nguyện thư nói trên, nhất là tình trạng sống hiện nay của những người bị cưỡng búc trở về để tiếp tục sống dưới chế độ độc tài CS. Trước hết, xin anh Phạm Bá Hải ngỏ lời với quý khán thính giả Đài Saigon Network.



Phạm Bá Hải:            Tôi Phạm Bá Hải từ Sài Gòn, xin gửi lời chào đến quý khán thính giả của Hệ thống đài Saigon Network, và xin chào giáo sư Nguyễn Chính Kết.

NCK:              Thưa anh, lý do nào hay động lực nào đã thúc đẩy anh viết Thỉnh nguyện thư xin Hoa Kỳ và Cao ủy Tỵ nạn LHQ cứu xét nhân đạo cho tái định cư những thuyền nhân bị cưỡng bức hồi hương?  

Phạm Bá Hải:            Thưa quý vị khán thính giả, thưa anh Kết. Tôi là một thuyền nhân, vượt biên năm 1990, tàu đã gặp bão và đã sống sót. Tôi đã gặp cướp và những toan tính hãm hiếp thuyền nhân. Tôi đã bị đọa đày sống một cách phi nhân tính ở nơi vùng biên giới Thái Lan bỡi lính Thái Lan. Tôi sống trong trại Longmuon, trại Panat Nikhom, trại Sikiew. Tôi bị cưỡng bách trả về trại tiếp nhận hồi hương Thủ Đức, Sài Gòn. Rồi tôi lại bị ở tù B4 Hà Nội, B34 Sài Gòn, rồi trại cải tạo Xuân Lộc, Đồng Nai. Một chuỗi các sự kiện và địa danh đó đã xảy ra trong cuộc đời và nó đẩy tôi đi đến đối mặt với một sự xét lại tính nhân đạo, nó phơi mở sự thiếu nhân đạo trong chủ đích nhân đạo mà các nhà làm luật đã lấy nó để tạo ra các chính sách. Các sự kiện đó luôn thúc đẩy, nhắn nhủ tôi rằng phải làm hết sức mình, phải làm một cái gì đó để bù đắp cho sự thiếu nhân đạo đối với những thuyền nhân hồi hương. Cho nên vào cuối 2005, chúng tôi đã thành lập Bạch Đằng Giang Foundation để trợ giúp cho các thuyền nhân hồi hương đang ở VN. Sau đó, Bạch Đằng Giang Foundation bị chính quyền VN truy tố. Trong thời gian ở tù, tôi có viết một Thỉnh nguyện thư gửi cho Bộ công an VN, xin Nhà nước VN đối xử nhân đạo đối với các thuyền nhân hồi hương, vì họ không còn cách nào khác. Họ muốn đi tìm một đời sống tự do, nhưng con đường tự do không có, họ bị đẩy trả về, và họ không thể hòa nhập vào cuộc sống tại VN. Sau khi ra tù, tôi tiếp tục viết Thỉnh nguyện thư thứ hai gửi cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cao ủy Tỵ nạn LHQ để xem xét lại các trường hợp oan sai, những trường hợp không thể tái hòa nhập vào cuộc sống tại VN, cũng như các thuyền nhân hiện giờ đang một lần nữa chạy qua Thái Lan.

NCK:              Nhiều người ở hải ngoại không biết chuyện những người vượt biên tuy đã đến được nước thứ hai như là Thái Lan, Mã Lai, Singapo, Phi Luật Tân, Đài Loan… và đã từng ở trong trại tỵ nạn nhiều năm, nhưng cuối cùng họ lại bị cưỡng bức trở về VN. Xin anh cho biết tại sao họ bị cưỡng bức trở về và thời điểm xảy ra khi nào, thưa anh ?

Phạm Bá Hải:            Vấn đề tỵ nạn bắt đầu xảy ra sau năm 1975 với sự ra đi ồ ạt. Đến 1989 các nước họ quyết định rằng không thể nào tiếp tục nhận thuyền nhân nữa, và họ định ra một hạn mốc. Sau cái hạn mốc đó, tất cả thuyền nhân đều phải trãi qua một tiến trình gọi là thanh lọc. Nếu ai thanh lọc đậu thì sẽ được cho tái định cư ở nước thứ ba, còn không đậu thì buộc phải quay trở về. Hạn mốc đó ở Hongkong là ngày 16/6/1988, ở Thái và Mã là 14/3/1989, ở Inđô là 17/3/1989 và Phi là 21/3/1989. Sau thời điểm này, đã có khoảng 120 ngàn thuyền nhân trãi qua tiến trình thanh lọc. Trong số đó có trên 80 ngàn người bị rớt thanh lọc, và họ bị buộc phải quay trở về. Thời điểm cưỡng bức kéo dài từ 1989 đến 1997 mới dứt điểm.

NCK:              Theo như anh nói, thì dường như tổ chức Bạch Đằng Giang do anh và những người bạn thiết lập, là những người tỵ nạn ở Thái Lan và nhiều người đã từng bị cưỡng bức hồi hương phải không anh ?

Phạm Bá Hải:            Thưa đúng như vậy, chúng tôi là những thuyền nhân và đã bị cưỡng bức hồi hương, cho nên chúng tôi biết rằng cuộc đời của những thuyền nhân rất oan nghiệt. Thuyền nhân gắn liền với những bi thảm, bi kịch và thuyền nhân hồi hương VN tại VN vẫn còn tiếp tục mang những bi kịch như vậy. Cho nên chúng tôi đã quyết định hợp lại với nhau, thành lập tổ chức Bạch Đằng Giang để trợ giúp họ, như tôi là Phạm Bá Hải, Nguyễn Ngọc Quang, Vũ Hoàng Hải, Trịnh Văn Mến và rất nhiều anh em khác. Đa số họ đều là thuyền nhân từ trại tỵ nạn Thái trở về.

NCK:              Tổ chức Bạch Đằng Giang nghe nói đã bị bách hại rất nhiều, tôi không hiểu là hiện giờ có còn hoạt động được nữa không thưa anh ?

Phạm Bá Hải:            Bạch Đằng Giang đã bị truy tố tại VN, nên các hoạt động hiện giờ tôi đang làm là các hoạt động thuần túy nhân đạo, trợ giúp cho các thuyền nhân VN. Việc này tôi đã công khai với an ninh VN từ trong tù cũng như hiện nay. Đây chỉ mang tính cách cá nhân của tôi và tâm tư nguyện vọng của tôi đối với thuyền nhân chứ không mang danh nghĩa của BĐG, vì luật pháp VN không cho phép. Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng đăng ký hợp pháp tổ chức BĐG tại VN, bỡi vì ngay tại tòa, tòa cũng đã hỏi tại sao BĐG không đăng ký hợp pháp ?

NCK:              Khi bị cưỡng bức hồi hương thì phản ứng của những người bị cưỡng bức như thế nào, họ có sẵn sàng chấp nhận trở về VN không thưa anh ?

Phạm Bá Hải:            Tôi đơn cử tại Thái Lan vì tôi sống ở đó. Cuối 1995, tình hình trở nên căng thẳng. Số người thanh lọc đậu đã ra đi, chỉ còn lại những người rớt. Cao ủy và nhà trại bắt đầu chuẩn bị các chính sách cưỡng bức. Họ phân ra hai khu. Khu của những người không chấp nhận hồi hương với bất cứ hình thức nào, không tham gia bất cứ thủ tục nào về hành chánh để bị cưỡng bức - khu này có 1400 thuyền nhân. Họ đã tuyệt thực, không nhận lương thực của Cao ủy và sống biệt lập trong khoảng thời gian trên một năm trời. Phải nói rằng rất bi đát, rất đáng thương. Và đến cái mốc cuối cùng ngày 29 tháng 6 năm 1996 để đóng chương trình CPA, họ bị cưỡng bách, máu đã đỗ, nhiều người đã chết. Phải nói rằng sự đấu tranh của họ là một sự kiên cường, một tiếng gọi nhân đạo của quốc tế, nhưng quốc tế đã mõi mòn không thể nào tiếp tục viện trợ nhân đạo cho thuyền nhân VN được nữa. Tôi nghĩ đây là một bi thảm trong lịch sử VN chúng ta.

NCK:              Anh nói rằng khi bị cưỡng bức thì máu đã đỗ, vậy máu đã đỗ do họ chống lại chính quyền các nước ở đó hay là làm sao thưa anh ?

Phạm Bá Hải:            Trong quá trình cưỡng bách, chính sách của Cao ủy họ gọi là ORP (Orderly Repatriation Program) tức Chương trình hồi hương có trật tự. Nếu người nào không chấp nhận tự nguyện hồi hương thì sẽ bị tự động đưa vào danh sách này. Ai có tên trong danh sách thì bị gọi tên, đưa lên xe trả về. Nếu chống đối họ sẽ dùng vũ lực. Có rất nhiều người chống đối, như ở Thái Lan có 1400 đồng bào. Vũ lực đã xảy ra, có người đã chết từ việc xô xát đó, hàng trăm người đã mổ bụng tự sát. Sự tương tự cũng đã xảy ra ở các nước khác.

NCK:              Những chuyện mổ bụng tự sát như vậy chứng tỏ họ thà chết chứ không muốn trở về VN. Điều đó, đương nhiên thế giới cũng thấy được rằng là chế độ CSVN đáng sợ hơn cái chết. Vậy điều đó có làm cho quốc tế thay đổi chính sách cưỡng bức hay không ?

Phạm Bá Hải:            Tôi nghĩ trong thời điểm đó, quốc tế họ muốn chấm dứt vấn đề thuyền nhân ra đi ồ ạt, và số phận của 120 ngàn thuyền nhân dưới chương trình CPA trở thành vật thiêu thân để hy sinh cho tiến trình đó. Họ cưỡng bách những người rớt thanh lọc - những người bị gắn cái mạc là những di dân kinh tế. Do đó cần phải trục xuất và đẩy họ trở về VN, kèm theo đó là sự trợ giúp từ 240 đô la đến 360 đô la, và họ cho rằng đây là trợ giúp ban đầu về kinh tế cho những người di dân kinh tế. Họ nghĩ rằng đó là đủ thỏa mãn để chấm dứt chương trình CPA. Và những người này cần như vậy cũng đủ, hơn là họ sống dài hạn trong các trại tỵ nạn mà không có sự tài trợ, không có con đường đi định cư. Điều tôi thấy thiếu nhân đạo ở chổ, đối với thuyền nhân hồi hương chống cưỡng bách, yếu tố không phải là vấn đề kinh tế, mà chính là yếu tố chính quyền. Vì nhà nước VN vẫn là nhà nước độc tài độc đảng, họ tiếp tục đàn áp người nào có tư tưởng khác biệt. Trong số những thuyền nhân VN hồi hương, đặc biệt là những người bị cưỡng bách, là những người mưu cầu một cuộc sống tự do dân chủ, không bạo quyền, không chuyên chế. Đây cũng chính là lý do mà tôi cũng muốn mang đến sự công bình cho thuyền nhân, thưa anh.

NCK:              Lúc ấy quốc tế có biết rằng những người này khi bị đưa trả về VN có nguy cơ sẽ bị đưa vào tù, hay là ít nhất bị phân biệt đối xử so với người dân bình thường khác hay không? Họ có đưa ra biện pháp nào để bảo vệ những người này khỏi sự bách hại hay không?

Phạm Bá Hải:            Như anh giới thiệu khúc đầu, tôi có nghe anh nói là những người hồi hương này bị chính quyền CSVN xem như là tội phạm. Thế thì tôi xin khẳng định thế này: thời điểm thuyền nhân bị cưỡng bách về, nhà nước VN không xem thuyền nhân hồi hương là những tội phạm, mà xem thuyền nhân hồi hương là những người sắp sữa là tội phạm. Điều đó có nghĩa là họ, trong tư tưởng của họ, sẽ có những hành động chống đối, phản kháng các chính sách, chủ trương của Đảng CSVN. Cho nên họ bị nằm trong danh sách luôn luôn bị theo dõi, luôn luôn sẵn sàng bị quấy nhiễu, sẵn sàng bị bắt, bị giam cầm, bị tra tấn, bị đánh đạp, đe dọa với tất cả mọi hình thức. Họ, đúng như anh nói, họ là công dân hạng hai, thậm chí hạng ba. Ở vùng quê, họ không có một cuộc sống tự do an bình giống như chương trình CPA mà những người hoạch định đã mong đợi.

NCK:              Dạ vâng, anh chưa trả lời rằng quốc tế có đưa ra biện pháp nào để bảo vệ người bị cưỡng bức đó hay không ?

Phạm Bá Hải:            Tôi nghĩ rằng vì họ đã bị dán cái mạc là di dân kinh tế, thành ra họ bị đẩy về VN. Sau đó, họ nghiên cứu và thấy rằng nhà nước VN chưa hề truy tố bất cứ trường hợp nào đối với người vượt biên trái phép. Thành ra họ kết luận chương trình CPA đã thành công, quốc tế tự thỏa mãn với chương trình họ đã làm. Trong khi thực tế, cái vấn đề khác biệt tư tưởng mới là cái chính yếu để nhà nước VN quấy nhiễu và đàn áp thuyền nhân hồi hương.

NCK:              Anh nghĩ sao về chính sách cưỡng bức hồi hương này của quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ. Có phải là lòng tốt của họ không kham nỗi một sự trợ giúp quá lâu dài, có thể kéo dài đến vô tận cho đến khi VN không còn chế độ CS hay chăng? Cho dù là việc trốn ra nước ngoài là khó khăn và nguy hiểm, cho dù là niềm hy vọng được định cư ở một nước tự do rất là mong manh, thế mà vẫn có hàng trăm người rời bỏ VN để sang Cambodia hoặc Thái Lan xin tỵ nạn. Nếu các nước không tạo khó khăn trong vấn đề tỵ nạn, thì sẽ chắc chắn sẽ có hàng ngàn người, thậm chí hàng chục ngàn người sẵn sàng bỏ nước ra đi phải không anh? Cụ thể là hiện nay vẫn có hàng ngàn cô dâu, hàng ngàn công nhân chỉ vì muốn thoát khỏi VN mà họ bị mắc bẫy vào nạn buôn người. Có phải vì muốn ngăn cản sự ra đi của người VN nên các nước phải quyết định như thế hay không ?

Phạm Bá Hải:            Thưa anh, tôi nghĩ câu hỏi của anh tôi sẽ phân ra hai thành phần. Thành phần thứ nhất nói về người tỵ nạn CS bỏ nước ra đi và thành phần thứ hai là hàng ngàn cô dâu, hàng ngàn công nhân vì muốn thoát khỏi VN. Phần thứ nhất, đối với thuyền nhân họ là người tỵ nạn chính trị, họ không thể hòa nhập vào chế độ độc tài CS, họ đi tìm tự do. Tính nhân đạo của quốc tế đã xác định về quyền được tỵ nạn và quyền không bị trả về. Đây là nguyên tắc hành xử của lương tri nhân loại. Nếu như bất kỳ ở đâu, thời điểm nào có sự kỳ thị, phân biệt ngược đãi vì lý do chính trị tôn giáo như trong định nghĩa về người tỵ nạn thì người đó có quyền chạy ra nước khác để xin tỵ nạn và lương tri nhân loại có trách nhiệm bảo vệ cái quyền đó và bảo vệ người đó. Cái hướng để giải quyết trong vấn đề này, hoặc là đáp ứng bảo vệ người tỵ nạn hoặc can thiệp, lên tiếng chỉ trích quốc gia đã tạo ra sự kỳ thị, ngược đãi, bất công đó. Tuy nhiên ở VN, trong thời điểm chương trình CPA, áp lực quốc tế trong vấn đề chính quyền VN vi phạm quyền con người không đủ mạnh để chấm dứt chính sách đàn áp, cho nên vấn đề người tỵ nạn vẫn tiếp tục ra đi. Và thuyền nhân VN hồi hương vẫn còn đối mặt với những sách nhiễu và giam cầm. Đây là một thách đố đối với định nghĩa tỵ nạn trong lương tri, lương tâm của nhân loại chúng ta. Thành phần thứ hai, về việc hàng chục ngàn người sẵn sàng bỏ nước ra đi. Ở đây ta thấy rất rõ là động cơ của những người này là họ muốn chạy khỏi đời sống xã hội VN quá nghèo nàn, đời sống mà đồng lương không thể nuôi sống bản thân họ và cha mẹ họ, cho nên họ muốn tìm cách ra khỏi VN để có cơ hội có một việc làm tốt hơn, có nhiều tiền hơn để giúp đỡ bản thân họ, con cái họ và gia đình họ. Đó là hai việc làm, hai động cơ xuất phát rất khác nhau thưa anh.

NCK:              Khi con đường vượt biên chỉ nữa chừng thành công, rồi thất bại, những người hồi hương đã bị CSVN đối xử ra sao, anh có thể nêu ra một vài trường hợp cụ thể không thưa anh ?

Phạm Bá Hải:            Khi con đường tự do không còn, khi thuyền nhân hồi hương muốn tìm cuộc sống bình an cho đời họ không còn, họ bị cưỡng bách trả về, họ muốn hòa nhập vào trong cuộc sống tại VN. Ở đây ta có thể lấy thí dụ điển hình là từ 1996 cho đến khoảng thời gian trên 2000 chưa thấy xảy ra trường hợp nào giam cầm đối với lời phát biểu của những người bất đồng chính kiến là thuyền nhân, nhưng sau đó ta thấy xuất hiện một số trường hợp đã bị giam cầm như nhóm Bạch Đằng Giang gồm ba người, trường hợp thứ hai là tổ chức Người Việt Nam yêu nước, gồm anh Nguyễn Văn Ngọc và Trịnh Quốc Thảo. Vì họ không thể sống hòa nhập tại VN, họ không còn con đường nào khác là phải lên tiếng cho quyền con người, cho chính bản thân họ, cho thuyền nhân, nói chung cho những người không thuộc về giai cấp lãnh đạo của đảng CSVN, và họ đã bị trừng phạt.

NCK:              Từ ngày cưỡng bức hồi hương cho đến nay đã là 20 năm rồi, thế thì những người này có còn bị phân biệt đối xử hay không thưa anh ?

Phạm Bá Hải:            Họ luôn luôn là đối tượng mà nhà nước VN xem là những người sắp sửa là tội phạm, nên bất cứ mối liên hệ nào giữa các thuyền nhân với nhau, giữa thuyền nhân với những người bất đồng chính kiến hay với người có tư tưởng khác biệt với chính quyền đều trở nên là cái gai đối với chính quyền, và nhà nước sẵn sàng mời làm việc, làm khó khăn để cản trở cái mối quan hệ đó, nên họ trở thành đối tượng của đàn áp. Hiện giờ rất nhiều người liên quan đến Bạch Đằng Giang đã chạy qua bên Thái Lan, và còn nhiều người nữa mà tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không lên tiếng cho họ, không giúp họ thì họ vẫn còn tiếp tục đối mặt với những bi kịch và đàn áp tại VN.

NCK:              Sau khi đã viết Thỉnh nguyện thư xin quốc tế cứu xét tái định cư nhân đạo cho thuyền nhân cưỡng bách hồi hương, anh có những dự định hay kế hoạch gì để Thỉnh nguyện thư được đáp ứng mau mắn và hữu hiệu không thưa anh ?

Phạm Bá Hải:            Xin cám ơn anh câu hỏi này, tôi xin thay mặt tất cả thuyền nhân VN hồi hương đang sống một đời sống rất cơ cực, mất phẩm giá tại VN. Tôi muốn kêu gọi tất cả tổ chức hội đoàn đảng phái tại hải ngoại, hãy lên tiếng cho họ, vì cuộc sống còn lại của họ và con cái họ. Tôi có gửi một lá thư đến Hội cựu quân nhân VNCH, Tập thể các chiến sĩ VNCH và các Tổng hội tại Hoa Kỳ, tôi mong quý hội sẽ trả lời để giúp cho những thuyền nhân là các cựu quân cán chính trước 1975 của chế độ VNCH, mong quý vị lên tiếng cho họ để họ được xét nhân đạo tái định cư tại Hoa Kỳ. Tôi gọi các hội đoàn tổ chức tôn giáo, các chính khách hãy tiếp xúc với quốc hội Hoa Kỳ, chính quyền VN để bàn thảo và giải quyết vấn đề thuyền nhân hồi hương tại VN, vì tự do, quyền con người và giá trị nhân phẩm của thuyền nhân hồi hương VN.

NCK:              Anh nghĩ sao về tình trạng hiện nay. Một đằng có rất nhiều người đang ở VN đang tìm đủ mọi cách ra hải ngoại xin tỵ nạn chính trị. Một đằng lại có rất nhiều người đã từng là thuyền nhân, đã được tỵ nạn chính trị, thì chính những người đó lại về VN một cách thoải mái, và được nhà nước VN đón tiếp một cách rất bình thường. Vậy hai cách ngược với nhau như vậy có làm cho quốc tế suy nghĩ rằng những người đang xin tỵ nạn này, bỏ nước ra đi vì lý do chính trị, vì lý do khác biệt chính kiến, liệu có bị nghi ngờ động cơ đó hay không ?

Phạm Bá Hải:            Hiện tại trong môi trường toàn cầu hóa về kinh tế, văn hóa, chính trị. Nếu ta theo chính sách cô lập, phong tỏa hay tẩy chay thì sẽ không thành công ở VN, vì lịch sử đã chứng minh điều đó. Việc giao thoa, tiếp xúc đối thoại là tất yếu. Ở VN ta thấy thế này, những Việt kiều về VN đầu tư, nếu họ tạo các xí nghiệp, giúp đỡ tạo công ăn việc làm cho người lao động, thì điều đó tốt cho VN, còn nếu họ về VN hợp tác với các tập đoàn nhà nước, tức họ tạo điều kiện kinh tài cho chế độ CS. Cái này phải phân biệt cho rõ ràng. Nếu họ về giao lưu văn hóa nhưng luôn có mục đích lưu tâm phát triển nhân quyền dân chủ hay các giá trị nhân phẩm, và tìm cách tác động vào chính quyền bằng mọi mặt. Tôi nghĩ đây vẫn là cách tốt hơn là ta tẩy chay, hay ta đứng ở ngoài mà không thể nào, không có cách nào trực tiếp hay gián tiếp tác động vào tiến trình nhân quyền dân chủ tại VN, thưa anh.

NCK:              Anh có lời nào với khán thính giả về Thỉnh nguyện thư của anh hay muốn kêu gọi làm cái gì không thưa anh ?

Phạm Bá Hải:            Tôi Phạm Bá Hải từ Sài Gòn, một thuyền nhân VN, cựu tù nhân quyền, cựu tù nhân lương tâm, tôi mong đồng bào hải ngoại hãy lên tiếng cho thuyền nhân hồi hương tại VN, cho cựu thuyền nhân đang một lần nữa chạy sang Thái Lan, mong cứu xét cho họ được tái định cư tại Hoa Kỳ hay một nước khác. Tôi xin cám ơn tất cả quý vị khán thính giả, xin cám ơn Đài Saigon Network đã cho tôi một cơ hội để trình bày tất cả tâm tư nguyện vọng của tôi về thuyền nhân hồi hương. Xin cám ơn tất cả.


No comments:

Post a Comment

Vietnam civil society organizations condemn the recent violence and torture of public security service

Defend The Defnders  | Nov 6, 2014 Translation by  Trang Thien Long Tell The World . To: – The entire Vietnam compatriots at home and...