2006-08-05, Trà Mi, phóng viên đài RFA
Chương trình tối qua, chúng tôi đã gửi đến quý vị cuộc trao đổi với thương gia Phạm Bá Hải về nội dung buổi thẩm vấn lần thứ nhất giữa anh với nhân viên an ninh Cục quản lý xuất nhập cảnh liên quan đến việc đương sự bị cấm ra nước ngoài sau khi tham dự buổi họp mặt với các thành viên ủng hộ dân chủ khối 8406 tại Sài Gòn.
Doanh nhân Phạm Bá Hải, 38 tuổi, đang công tác tại Ấn độ và có về Việt Nam vài lần. Tuần trước, anh có nhận lời mời của một người bạn thân đến dự bữa ăn tối của các anh em trong khối 8406 tại tiệm ăn số 4, đường Võ Văn Tần. Hai ngày sau đó, khi đến phi trường Tân Sơn Nhất để đi Singapore trước khi về Ấn Độ thì anh Hải bị an ninh sân bay chặn lại, lập biên bản tạm hoãn xuất cảnh.
Sáng ngày 4/8, anh Hải tiếp tục được công an mời lên thẩm vấn lần thứ hai. Diễn tiến vụ việc ra sao? Trong câu chuyện trao đổi với Trà Mi, thương gia Phạm Bá Hải cho biết thêm.
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Hôm nay vào lúc 9h sáng tôi đến Cục quản lý xuất nhập cảnh, làm việc với anh Nguyễn Quốc Văn, người hôm qua thẩm vấn tôi, anh Trần Văn Hoà và đại úy Trần Việt Hà. Như thường lệ, họ có 1 người quay camera.
Trà Mi: Xin anh cho biết buổi làm việc kéo dài trong bao lâu và nội dung ra sao?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Làm việc trong vòng 1 giờ đồng hồ. Chúng tôi xoay quanh vấn đề giấy tờ, thủ tục văn bản. Vì cho tới nay tôi vẫn không hiểu được lý do vì sao họ không cho tôi xuất cảnh.
Ngay cả tờ biên bản tạm hoãn xuất cảnh tôi cũng không hề ghi lý do, chỉ nêu lên là căn cứ vào nghị định 05/2000 và chỉ đạo của Cục mà thôi. Nhưng lúc tôi lên làm việc hôm qua họ lại bảo là vì lý do an ninh quốc gia, và quy tội vào 3 tội: liên hệ với các thành phần khủng bố ở Kashmir và mang khủng bố về Việt Nam, viết cương lĩnh Cửu Việt cho tổ chức Bạch Đằng Giang, và tham gia liên hệ với khối dân chủ 8406.
Ngay cả tờ biên bản tạm hoãn xuất cảnh tôi cũng không hề ghi lý do, chỉ nêu lên là căn cứ vào nghị định 05/2000 và chỉ đạo của Cục mà thôi. Nhưng lúc tôi lên làm việc hôm qua họ lại bảo là vì lý do an ninh quốc gia, và quy tội vào 3 tội: liên hệ với các thành phần khủng bố ở Kashmir và mang khủng bố về Việt Nam, viết cương lĩnh Cửu Việt cho tổ chức Bạch Đằng Giang, và tham gia liên hệ với khối dân chủ 8406.
Buổi làm việc hôm nay có 2 vấn đề họ đặt ra. Thứ nhất là yêu cầu tôi cung cấp danh sách 17 công ty mà tôi đang liên hệ làm ăn. Tôi trả lời rằng thậm chí đơn thuần về kinh tế thôi thì tôi cũng không thể nào giao cho họ danh sách này. Tôi chỉ giao danh sách này cho luật sư hoặc khi nào ra toà. Sau khi tôi từ chối, họ bảo rằng họ có khả năng truy ra danh sách này thôi.
Thứ hai họ nói việc tôi thông báo cho báo Tuổi trẻ, Bộ Công an, và trên các website khác trước khi tôi đến làm việc với họ là một hành động không tốt. Họ cảnh cáo tôi chuyện đó.
Qua hai buổi thẩm vấn, Tôi nhận thấy rằng từ ngày hôm qua họ quy cho tôi tội khủng bố lật đổ chính quyền, cho tới hôm nay họ cố tình muốn tìm hiểu hoạt động kinh doanh của tôi và hăm doạ sẽ có thể đưa ra quy vào tội kinh tế hay làm ăn phi pháp gì đấy…
Trà Mi: Trước những vấn đề đặt ra như vậy thì quan điểm của anh ra sao?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Hoàn toàn trắng trợn. Công an họ có quyền đặt ra nhiều thứ và có kỹ thuật chụp mũ và bắt người ta phải đội cái mũ đó. Tôi cực lực phản đối chuyện đó. Họ căn cứ vào 1 công dân nào đó tố cáo tôi mà quy tội cho tôi thì quan điểm của tôi là phải đối mặt, đối chất, có luật sư và sau đó cùng nhau kéo ra tòa. Họ cố tình khích tôi, ép tôi phải công nhận những gì họ nói.
Hôm nay những người thẩm vấn chính là Nguyễn Quốc Văn, Trần Văn Hoà và đại úy Trần Việt Hà. Thế nhưng khi lập biên bản, anh Văn không ghi tên vào. Có sự mờ ám nào đó. Hôm qua họ nói đã gửi giấy mời cho tôi nhưng hôm nay tôi nhất quyết yêu cầu phải có giấy mời thì họ nói là biên bản tạm hoãn xuất cảnh ở sân bay chính là giấy mời.
Bạn nghĩ gì về cuộc thẩm vấn này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Sự mập mờ như vậy không tạo thuận lợi cho tôi làm việc với họ và không thuận lợi cho tôi sau này khi kiện ra toà, cũng như làm ảnh hưởng đến các đối tác làm ăn của tôi vì tôi không có một giấy tờ nào đưa cho họ xem cả. Họ làm việc rất tuỳ nghi, tuỳ tiện.
Trà Mi: Buổi trao đổi hôm nay kết cục như thế nào, thưa anh?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Vì tôi nhất quyết yêu cầu văn bản, giấy tờ, nên họ nói sẽ có giấy lệnh cho tôi nay mai, có thể là lệnh bắt giam, tạm giữ hay triệu tập gì thì chưa biết. Tôi yêu cầu cho một giấy lệnh rõ ràng ghi ngày giờ, thời gian làm việc, nội dung, ở đâu…
Khi ghi vào biên bản làm việc, họ ghi là buổi trao đổi. Tôi không đồng ý. Trước khi ký tên tôi nói rõ, các anh cho là buổi trao đổi nhưng đối với tôi rõ ràng đây là những buổi thẩm vấn.
Vấn đề nữa là khi ghi biên bản tôi đòi phải có 2 bản, vì tôi ký tên thì tôi cần và có quyền giữ một bản để sau này có giấy tờ trình cho luật sư hay toà án để mọi người hiểu rõ sự việc xảy ra như thế nào. Thế nhưng các anh công an nhất quyết không chịu. Cho nên biên bản làm việc sáng nay hoàn toàn không có chữ ký của tôi mặc dù tôi có ghi xuống đó những điều tôi không đồng ý với nội dung biên bản họ viết.
Sau cùng, đại uý Trần Việt Hà, vì không thể đáp ứng yêu cầu cho tôi một bản sao biên bản, nên đã ghi xuống rằng tôi khăng khăng từ chối ký tên, và lúc đó chúng tôi chấm dứt cuộc thẩm vấn thứ hai.
Trà Mi: Họ có nói những khả năng có thể diễn tiến sắp tới?
Theo tôi nghĩ, có khả năng bây giờ họ cố gắng tìm hiểu những hoạt động kinh tế của tôi ở đây, cố gắng tìm những sơ hở để lôi ra kết tội, hoặc cũng có khả năng họ sẽ đưa ra lệnh bắt, lệnh giam hay tạm giam gì đó.
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Theo tôi nghĩ, có khả năng bây giờ họ cố gắng tìm hiểu những hoạt động kinh tế của tôi ở đây, cố gắng tìm những sơ hở để lôi ra kết tội, hoặc cũng có khả năng họ sẽ đưa ra lệnh bắt, lệnh giam hay tạm giam gì đó.
Trà Mi: Chúng tôi rất cảm ơn anh Phạm Bá Hải đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Vừa rồi là câu chuyện với doanh nhân Phạm Bá Hải liên quan đến về nội dung buổi thẩm vấn lần hai với nhân viên an ninh Cục quản lý xuất nhập cảnh ngày 4/8 vừa qua về việc anh bị hoãn xuất cảnh sau khi tham dự bữa ăn tối cùng các thành viên trong khối ủng hộ dân chủ 8406 ở Sài Gòn.
Cuộc thẩm vấn đó đã đựơc ghi âm lại, đây là một trích đoạn ngắn: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Mời quý vị vào trang nhà của Ban Việt Ngữ chúng tôi tại địa www.rfa.org để nghe toàn bộ nội dung buổi làm việc.
Theo dòng câu chuyện:
- Thương gia Phạm Bá Hải thuật lại buổi làm việc với công an
- Doanh nhân Phạm Bá Hải trả lời thẩm vấn của công an
- Doanh nhân Phạm Bá Hải, ủng hộ viên khối 8406, bị tạm hoãn xuất cảnh
© 2006 Radio Free Asia
No comments:
Post a Comment