25 November 2011

Múa Đôi



“hiểu cho nhau sống đã là phiêu lưu”. Nguyễn Duy.

Ông Phạm Bá Hải , 38 tuổi, là một doanh nhân VN làm việc tại Ấn Độ trong thời kỳ kinh tế thị trường. Ông đã về VN từ ngày 18 tháng 7 đến 28 tháng 7 năm 2006 để hoàn tất công tác thành lập một tổ hợp kinh doanh đại diện cho nhiều Cty Ấn Độ. Ngày 29 tháng 7, khi trở lại nhiệm sở ở Ấn Độ, ông đã bị đồn công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, thuộc Cục quản lý Xuất nhập cảnh, nhân danh Nghị định 35/2000 và “chỉ đạo của Cục” để ngăn chặn việc xuất cảnh của ông mà không hề nêu một lý do chính đáng nào. Nhiều người mới từ đó hiểu ra thế nào là kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Vào sáng ngày 3 tháng 8, công dân Phạm Bá Hải bị thẩm vấn tại Cục quản lý xuất nhập cảnh của Bộ công an về 3 tội danh: 1) Có liên hệ với tổ chức khủng bố Kashmir và đem khủng bố về VN; 2) Có tiếp xúc với nhân sự của khối vận động dân chủ 8406; và 3) Đã viết Cương Lĩnh Cửu Việt cho nhóm Bạch Đằng Giang. Trong lần này, ông Hải thừa nhận ông là một trong hơn 2000 người ký tên ủng hộ Tuyên ngôn của nhóm vận động dân chủ 8406; ngoài ra, tất cả đều là những gán ghép không cơ sở. Một trong những bằng chứng do công an nêu ra (bằng miệng) là có người từng ở chung trại tỵ nạn Thái Lan hồi thập niên 90 đã mới vừa tố cáo ông Hải “âm mưu lật đổ chính quyền”. Hỏi người đó là ai, công an chỉ cho biết người đó đã khai đúng tên và năm sanh của ông Hải, “thế là đủ!”. Công dân Phạm Bá Hải đòi đối chất với người tố cáo đó trước tòa án, nhưng phía công an quanh co, không trả lời về đòi hỏi đó. Toàn bộ cuộc thẩm vấn không có biên bản, ngoài một máy quay phim và một máy ghi âm. Ông Hải cũng không nhận được giấy mời, chỉ giản đơn bị gọi bằng điện thoại đến số 254 Nguyễn Trãi để “làm việc!”.



Ngay sau đó, toàn bộ đoạn băng ghi âm về buổi thẩm vấn của 5 công an dài hơn 3 tiếng đồng hồ này đã được công bố trên mạng của chương trình phát thanh của đài Á Châu Tự Do.

Hôm sau, 4 tháng 8, công dân Phạm Bá Hải lại bị triệu hồi đến gặp những người công an ngày hôm qua, để trả lời phần lớn về công việc làm ăn của ông với các Cty bên Ấn Độ. Chiến thuật mới của công an có vẻ muốn moi bằng được những khe hở kinh doanh của ông Hải để kết tội “làm ăn phi pháp”. Động cơ Chính trị đã diễn biến hòa bình sang Kinh tế! Ông Hải đòi phải có giấy mời của công an để trả lời với đối tác kinh tế của ông thì phía công an trả lời rằng “văn bản ngăn chận xuất cảnh chính là giấy mời”. Phía công an nhất định không trao cho ông Hải bản sao của biên bản thẩm vấn hôm nay. Do đó, ông Hải cũng nhất quyết không ký tên vào tờ biên bản mà công an gọi là tờ “trao đổi” đó.

Đoạn băng ghi âm về buổi thẩm vấn này cũng đã được công bố trên mạng của chương trình phát thanh của đài Á Châu Tự Do.

*


Qua ngày 5 tháng 8, ông Nguyễn Ngọc Quang, 45 tuổi, bị “triệu tập” đến sở công an quận 8 ở Phạm Thế Hiển, nhưng lại bị làm việc với 7 công an A42. Nội dung cuộc thẩm vấn này tập trung vào 2 tội danh chính mà công an cố ép ông Quang phải nhận: 1) Chủ đạo nhóm Bạch Đằng Giang; và 2) tham gia vào nhóm vận động dân chủ 8406. Không hiểu bằng cách nào, đoạn băng ghi âm cuộc thẩm vấn rất dài này được cắt thành 10 mảnh và đồng loạt nhảy lên mạng của đài RFA.



Trong 3 ngày tiếp đó, ông Quang đều nhận được điện mời của công an, nhưng mãi đến ngày 10 tháng 8, ông Quang mới đến. Ông bị lục soát đến mức chính ông phải mô tả là “trần truồng”. Lý do là để ngăn ngừa các đoạn băng ghi âm như vừa nói. Công an đòi ông Quang phải tháo gỡ những đoạn băng trước đó ra khỏi mạng của RFA ở bên Mỹ!!! Nội dung tranh luận hôm nay xoáy quanh vấn đề nổi cộm đó. Thêm một lần nữa, nội dung tranh luận này lại xuất hiện thần tình trên mạng của đài RFA.


*
Qua hai sự kiện điển hình nói trên, và ráp với những cuộc bắt bớ, lục soát khác của công an các nơi đối với thành viên của nhóm 8406, người ta thấy gì về mối liên hệ và cách hành xử giữa công an và công dân?

1. Về đặc tính của các đoạn băng ghi âm là chất lượng rất cao. Người ta nghe rõ được cả tiếng thở gấp lấy hơi của công an lúc tức giận và chuẩn bị áp đảo.

2. Về phía công dân:

Thứ nhất là thái độ bình tĩnh đến mức bình thản. Tinh thần vô úy mà HT Quảng Độ rao giảng mấy năm qua nay đã thành hiện thực, cụ thể đến độ khiến công an chột dạ (sẽ nói sau). Nói chung là công dân đã nêu cao câu khẩu hiệu thời đại: “Đừng sợ những gì CS làm – Hãy làm những gì CS sợ”.

Thứ hai là hỏi tên và chức vụ của công an. Hỏi cho kỳ được mới thôi, bằng quyền hạn của một công dân cần biết đang “làm việc” với ai, cấp nào, thẩm quyền tới đâu của phía an ninh. Kỹ thuật này khá bất ngờ và khiến các công an lúng túng, bởi ít khi bị hỏi chăng?

Thứ ba là đòi giấy mời bằng văn bản chính thức, tức là không chấp nhận tình trạng công an gọi điện triệu tập. Ông Hải đã tranh luận về điểm này suốt hai phần ba thì giờ thẩm vấn. Đây là một kỹ thuật làm cuộc thẩm vấn bị chệch hướng và mất động lượng.

Thứ tư là phủ nhận mọi vu khống, bằng lý luận và bằng sự đòi hỏi cho ra bằng cớ. Công dân Nguyễn Ngọc Quang khẳng quyết là không dựa vào một thế lực nào bên ngoài, mà chỉ dựa vào sự suy nghĩ của chính mình, bắt đầu từ trách nhiệm đối với tổ quốc và dân tộc. Công dân Phạm Bá Hải đòi đối chất với kẻ tố cáo ngay giữa tòa án. Kỹ thuật đòi đối chất và đòi ra tòa là một phương thức “át tiếng” công an rất hữu hiệu.

Thứ năm là nhất quyết không khai tên bằng hữu trong nhóm, ngoại trừ những người mà họ biết là công an đã biết. Ông Hải chỉ duy nhất nêu tên ông Lê Trí Tuệ. Ông Quang bảo là không có gì để khai thêm, nếu cần thì “các anh cứ tiến hành thủ tục bắt giam và đưa ra tòa”.

Thứ sáu là nhất định không ký tên vào bất cứ văn bản nào do công an viết sẵn. Ông Hải đấu tranh quyết liệt về điểm này, bằng những lý luận đanh thép, và thắng cuộc.

Thứ bảy là trả lời điện thoại di động hoặc gọi nơi cần gọi ngay giữa giờ thẩm vấn. Ông Hải đã nhiều lần trả lời các cú điện thăm hỏi của bằng hữu đứng bên ngoài sở công an, và bấm máy gọi cho thân sinh của ông, hỏi rõ về thời gian cần có để thư mời của công an về tới nhà. Kỹ thuật này cũng nhằm cắt đứt cuộc thẩm vấn thành nhiều đoạn rời rạc, không để các nỗ lực đe nẹt đạt được cao điểm của nó.

Thứ tám là đòi phía công an cũng phải công khai minh bạch, như chính các công dân này đã công khai ký tên ủng hộ Tuyên ngôn 8406, và công khai thừa nhận sự việc ủng hộ đó.

Thứ chín là lý luận tối đa về pháp luật, dùng chính hiến pháp là luật cao nhất để vạch ra những mâu thuẩn của luật và văn bản dưới luật. Đây cũng là kỹ thuật xác định tính vi hiến của Nghị định bắt người của chính phủ.

Thứ mười là bắt bẻ từng câu từng chữ mà các công an thẩm vấn sử dụng theo thói quen của họ. Cả ông Hải lẫn ông Quang đã tranh cãi “tay đôi” với công an về nhiều việc, từ việc rất nhỏ như một tờ giấy nào đó, cho tới những vấn đề tầm cỡ như đa nguyên đa đảng. Kỹ thuật này khiến công an chìm vào những việc do công dân chủ động mà nhất thời quên mất vị trí của họ.

Sau cùng là đòi bằng được biên bản buổi thẩm vấn, cho dù là đương sự nhất quyết không ký tên vào. Thường ra việc đòi biên bản này chiếm mất đoạn cuối của cuộc thẩm vấn, vốn là cao điểm của hù dọa hay dụ ngọt của phía công an.

3. Về phía công an:

Một là những thói quen trịch thượng khó gột bỏ cho thành người văn minh. Tay công an thẩm vấn ông Quang lặp lại hàng ngàn lần mệnh đề đầu câu là “Tôi nói cho anh hay”, gắn liền với mệnh đề cuối câu là “Tôi nói với anh như thế!”. Còn tay công an đối thoại với ông Hải thì cũng hàng ngàn lần một câu hỏi ở cuối câu nói là “Đúng không?”. Cứ tưởng rằng nói vậy là gia tăng uy tín cho câu nói.

Hai là những “nghiệp vụ” cũng lỗi thời như chủ nghĩa: “Chúng tôi đã biết hết về tổ chức của các anh!”. “Hãy thành khẩn với cơ quan an ninh”. “Các anh không qua được tai mắt nhân dân đâu!”. “Chúng tôi có đủ các biện pháp”....

Ba là mớ tư duy nô lệ đến mức khó lòng giải thích: “Các anh xâm phạm đến cáichính thể của đảng và nhà nước mà chúng tôi phải bảo vệ”. “Cái cực kỳ quan trọng, quan trọng bậc nhất là chính thể của đảng”. Hoặc những phát biểu nhập nhằng rằng tao-là-luật: “Anh không thể lý luận như thế với pháp luật”....

Bốn là không muốn bị lộ tên: Các công an trong cả 2 vụ thẩm vấn này đều lúng túng trong việc xưng tên. Càng lúng túng hơn nữa khi phải kê khai chức vụ với người bị thẩm vấn. Những công an ký giấy triệu tập nhà văn Hoàng Tiến cùng những người khác trong nhóm đều đòi lại và giữ luôn tờ giấy triệu tập. Điều này cho thấy mọi công an cũng đều có một tương lai cần nghĩ tới, và không muốn lưu tên tuổi trên bất kỳ một bộ nhớ nào.

Năm là bắt đầu dung dị. Chẳng hạn như những câu trần tình tiêu biểu: “Muốn to thì to - Muốn nhỏ thỉ nhỏ thôi!”. “Muốn khó thì khó - Muốn dễ thì dễ thôi!”. Hiểu rằng đó là lời dọa cũng được, mà hiểu đó như lời vuốt cũng được: Rằng tự bản thân tôi chẳng muốn làm khó gì anh!

Sáu là sự nhã nhặn tối thiểu hay nhũn nhặn cần thiết: Thính giả chỉ nghe được tiếng ngón tay gõ vào bàn thay cho những tiếng đập bàn thông thường của công an mấy năm về trước. Đây là một bước đầu tiến bộ của cán bộ ngành bảo vệ đảng và nhà nước. Hay đây là một bước lùi của công an, theo đúng nhịp những bước lùi của đảng và nhà nước? Gì thì gì. Sự hiểu ra của công an là một điều đáng được ca ngợi: Chẳng đời nào tiếng đập bàn át được âm thanh khi sự thật điềm nhiên gióng tiếng.

Bảy là toàn bộ hai cuộc thẩm vấn đều toát ra được tính chất “Có Làm hay Làm Cho Có” của những công an “hữu trách”. Tay công an thẩm vấn ông Hải đã mất non 1/3 thì giờ để khích tướng rồi xuống giọng yêu cầu ông Hải ký vào một tờ giấy làm bằng cho cuộc “làm việc”. Cũng có lúc cả hai tay công an thẩm vấn đều không dấu được sự bực dọc, nhưng cả hai đều kềm giữ được khá tốt thái độ to tiếng. Tâm ý “Tình Tang” này không chỉ vì kém lý, mà còn bởi phải giữ một khoảng “bảo hiểm” cần thiết cho tương lai. Đây cũng là một điểm đáng ngợi ca không kém, như nhà thơ Nguyễn Duy đã bảo: “tình tang là cuộc phiêu lưu tuyệt vời”.

*

Đáng ca ngợi hàng đầu trong những sự cố này là những đoạn băng ghi âm toàn bộ các cuộc thẩm vấn đã đến tai mọi người. Đây là sở trường tạo ra “sinh tử phù” của ngành công an. Bây giờ không còn là một độc quyền nữa. Công an lại càng cần phải cảnh giác với dư luận quần chúng trong ngoài nước mà tỏ lộ cách hành xử văn minh hơn nữa. Nhỡ biết đâu...

Hiện thời, phải thừa nhận tinh thần vô uý của quần chúng đã đồng loạt biến thành hành động. Và còn lan rộng. Công dân và công an đang khiêu vũ những điệu múa đôi ngoạn mục: Cứ một bên bước tới thì cùng phía chân đó, bên kia phải bước lùi. Cứ vậy, chẳng bao lâu nữa sẽ tới phiên nhân dân và đảng tranh tài. 



5/8/2006.


Phạm Dân Quyền.

No comments:

Post a Comment

Vietnam civil society organizations condemn the recent violence and torture of public security service

Defend The Defnders  | Nov 6, 2014 Translation by  Trang Thien Long Tell The World . To: – The entire Vietnam compatriots at home and...