Rất nhiều các tổ chức nhân quyền có tiếng như Human Rights Watch, Freedom House… cùng các dân biểu Mỹ đã lên tiếng cho trường hợp của Minh Hạnh. Cuối tháng 5/2014, tổ chức Ân Xá Quốc Tế thuộc Úc đã lên kế hoạch vận động nhân quyền cho Đỗ Thị Minh Hạnh, xem sự tự do cho Minh Hạnh như một phần của TPP.
CTNLT | 1/7/2014
“Hải Yến” tự do (*)
Nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do và về đến nhà hôm 28/6/2014 sau hơn 4 năm bị giam cầm trong nhà tù. Theo quyết định số 01/GCNĐX của trại giam Thanh Xuân Hà Nội, thì Đỗ Thị Minh Hạnh được “đặc xá” theo quyết định số 1341/QĐ-CTN của ông Trương Tấn Sang ngày 17/6/2014.
Đỗ Thị Minh Hạnh bị cơ quan an ninh bắt ngày 23/2/2010 cùng với Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương trong các nỗ lực tổ chức đình công cho 10 ngàn công nhân giày da Mỹ Phong – Trà Vinh. Cô bị kết án 7 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm ngày 27/7/2010 với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo điều 89 BLHS.
Ngày 29/6/2014, đại diện Hội CTNLT, các anh Phạm Bá Hải, Phan Thanh Hải, Trương Minh Đức… đã đến nhà riêng của Đỗ Thị Minh Hạnh tại Di Linh – Lâm Đồng để chúc mừng cho sự tự do ngày hôm nay của cô. Hội CTNLT đã trao cho Minh Hạnh số tiền là 3 triệu đồng để giúp cô phần nào trong cuộc sống khó khăn sau khi ra tù.
Kết quả của những nỗ lực
Sự tự do ngày hôm nay của Đỗ Thị Minh Hạnh là kết quả của những sự lên tiếng không mệt mỏi của các tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước và một phần trong sự toan tính của nhà cầm quyền Việt Nam cho sự tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Rất nhiều các tổ chức nhân quyền có tiếng như Human Rights Watch, Freedom House… cùng các dân biểu Mỹ đã lên tiếng cho trường hợp của Minh Hạnh. Cuối tháng 5/2014, tổ chức Ân Xá Quốc Tế thuộc Úc đã lên kế hoạch vận động nhân quyền cho Đỗ Thị Minh Hạnh, xem sự tự do cho Minh Hạnh như một phần của TPP.
Đây còn được xem như là thành quả của tố chức BPSOS cùng mẹ cô là bà Trần Ngọc Minh trong các cuộc vận động trước quốc hội Mỹ, châu Âu…
Không thể xem là tiến bộ nhân quyền
Hầu hết những cuộc thả người của nhà cầm quyền Việt Nam không nhằm mục đích cải thiện nhân quyền cho nhân dân, mà chỉ nhằm thỏa mãn những điều kiện để gia nhập một tổ chức, hay hiệp định thương mại nào đó. Trong cùng một vụ án, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương vẫn còn bị giam giữ… và mấy chục tù nhân lương tâm khác vẫn bị giam giữ một cách độc đoán trong các nhà tù rải khắp mảnh đất hình chữ S này.
Thả một nhà bất đồng chính kiến Thầy giáo Đinh Đăng Định đã kiệt sức và tử vong vì ung thư bao tử sau 2 tháng ra tù. Thả một tù nhân thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu với sức khỏe kiệt quệ. Thả một tù nhân chính trị Huỳnh Anh Trí với căn bệnh HIV giai đoạn thứ ba sau 14 năm bị giam giữ cùng những thủ đoạn hèn hạ của cán bộ công an trại giam. Nhiều “dư luận viên” hể hả cho rằng Hạnh tăng 7kg sau khi ra tù, nhưng bằng mắt thường chúng ta cũng có thể thấy được cơ thể cô bị phù thủng vì điều kiện khắc nghiệt của trại giam chưa kể 2 U NANG trong ngực của cô mà bác sĩ trại giam cho là lành tính.
Trong cuộc kiểm định định kỳ nhân quyền phổ quát UPR tháng 6 vừa qua ở Geneva, phái đoàn của chính phủ Việt Nam chỉ chấp nhận 182 trong tổng số 227 khuyến nghị mà các nước đưa ra. Trong số 45 khuyến nghị bị bác bỏ có những khuyến nghị về việc “thông qua các biện pháp để chấm dứt việc truy bắt những người biểu tình ôn hòa” (số 226, Hy Lạp), “tăng cường sự tham gia chính trị bình đẳng cho công dân của mình, bao gồm tiến hành các bước hướng đến dân chủ đa đảng” (số 177, CH Séc), ngoài ra là các khuyến nghị liên quan đến việc tiến tới xóa bỏ án tử hình, và phê chuẩn các nghị định thư tùy chọn (optional protocol) của một số công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký. Chẳng hạn, hai nghị định thư tùy chọn của Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) về việc xóa bỏ án tử hình và cơ chế khiếu nại về nhân quyền đều chưa được Việt Nam phê chuẩn (Nguồn: Vietnam UPR).
Những người đấu tranh cho nhân quyền cùng các hội đoàn nhân quyền khác vui mừng phấn khởi trước thông tin Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do, một số người đã khóc. Tuy nhiên đều cần kíp bây giờ là sức khỏe của Đỗ Thị Minh Hạnh cần được thăm khám ở bệnh viện giỏi và an toàn. Các cá nhân, hội đoàn cần phải nỗ lực vận động nhiều hơn nữa để kêu gọi chính quyền chấm dứt tình trạng dùng công dân nước mình làm con tin với các toan tính lợi ích một khi có áp lực quốc tế.
(*) Hải Yến là bí danh của Đỗ Thị Minh Hạnh được dùng để trả lời phỏng vấn các đài VOA, RFA, RFI… trước khi cô bị bắt 2010.
No comments:
Post a Comment