2006-08-04 - Trà Mi, phóng viên đài RFA
Trong một chương trình trước, chúng tôi đã gửi đến quý vị cuộc trao đổi với doanh nhân Phạm Bá Hải về việc anh bị cấm xuất cảnh sau khi tham dự buổi họp mặt với các thành viên ủng hộ dân chủ khối 8406 tại Sài Gòn.
Thương gia Phạm Bá Hải, 38 tuổi, đang công tác tại Ấn độ và có về Việt Nam vài lần. Tuần trước, anh có nhận lời mời của một người bạn thân đến dự bữa ăn tối của các anh em trong khối 8406 ở tiệm ăn số 4, đường Võ Văn Tần.
Hai ngày sau đó, khi đến phi trường Tân Sơn Nhất để đi Singapore trước khi về Ấn Độ thì anh Hải bị an ninh sân bay chặn lại, lập biên bản tạm hoãn xuất cảnh.
Sáng thứ năm tuần này, anh Hải đã được Cục quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công An mời lên thẩm vấn. Nội dung buổi làm việc này ra sao? Qua câu chuyện với Trà Mi, thương gia Phạm Bá Hải thuật lại.
Doanh nhân Phạm Bá Hải: 9h19 phút sáng nay tôi nhận đựơc 1 cú điện thoại. Người gọi xưng là đại uý Trần Việt Hà, mời tôi đến 254 Nguyễn Trãi, Cục quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công An để làm việc. Buổi thẩm vấn bắt đầu từ 2h đến gần 5h chiều.
Trà Mi: Nội dung chính của buổi làm việc đó ra sao, thưa anh?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Nội dung xoay đi xoay lại 3 vấn đề chính mà họ muốn chụp mũ tôi. Thứ nhất họ nói là tôi có liên hệ với tổ chức khủng bố Kashmir. Thứ hai là khi về Việt Nam lần này tôi có tiếp xúc với khối dân chủ 8406. Thứ ba họ cho rằng tôi là người viết nên Cương Lĩnh của tổ chức Bạch Đằng Giang. Đó là 3 điểm họ ép buộc tôi phải nhận.
Nội dung xoay đi xoay lại 3 vấn đề chính mà họ muốn chụp mũ tôi. Thứ nhất họ nói là tôi có liên hệ với tổ chức khủng bố Kashmir. Thứ hai là khi về Việt Nam lần này tôi có tiếp xúc với khối dân chủ 8406. Thứ ba họ cho rằng tôi là người viết nên Cương Lĩnh của tổ chức Bạch Đằng Giang. Đó là 3 điểm họ ép buộc tôi phải nhận.
Trà Mi: Với 3 vấn đề họ đặt ra thì ý kiến của anh ra sao?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Tôi chỉ thừa nhận việc tôi là 1 trong số gần 2 ngàn người cho đến thời điểm này đã ký tên ủng hộ vào khối 8406 và tôi đã ký trong thời gian tôi làm việc tại nước ngoài. Những vấn đề khác tôi cương quyết không nhận vì toàn là những chuyện vu khống.
Trà Mi: Những vấn đề họ nêu ra họ có những bằng chứng, chứng cớ như thế nào?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Họ có cả 1 xấp hồ sơ dày, bao gồm những email gì đó mà tôi không hề biết đến . Họ nói là có một người từng sống trong trại tỵ nạn Thái Lan biết tôi vì chính tôi cũng đã từng sống trong trại tỵ nạn Thái 6 năm. Người đó tố cáo tôi có âm mưu lật đổ chính quyền.
Tôi đề nghị được đối chất với người đó và xin cùng nhau kéo ra toà phán quyết. Đó là quan điểm của tôi, bởi vì họ không thể nào chỉ dựa vào đơn tố cáo của một công dân nào đó để chụp mũ tôi như vậy. Điều đó hết sức vô lý và tôi không thể chấp nhận đựơc.
Trà Mi: Xin anh cho biết rõ hơn về những cái email chứng cớ mà anh nói đến.
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Họ cầm cả một tập hồ sơ dày 2-3 phân. Họ hỏi tôi đã viết bao nhiêu bài phát tán trên website. Tôi nói là bản thân tôi chỉ viết 2 bài. Thứ nhất là đơn tố cáo. Bài thứ hai nhan đề “Hiểu sao đây?”
Bài đầu tôi viết sau khi bị cơ quan an ninh chặn lại tại phi trường, không cho xuất cảnh. Bài sau được viết sau cuộc làm việc ngắn với cơ quan an ninh hôm thứ hai đầu tuần. Mục đích nhằm trình bày với công luận và tìm sự giúp đỡ của dư luận giúp tôi giải quyết vấn đề này vì chính quyền Việt Nam họ không muốn giải quýêt cho tôi.
Bạn nghĩ gì về cuộc thẩm vấn này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Còn tất cả những cái khác tôi không biết. Trước đây tôi không hề viết bài nào đăng tải trên website. Những email họ đưa ra làm bằng chứng cũng không phải là địa chỉ email của tôi. Những cái đó tôi không chấp nhận
Trà Mi: Ngoài ra cơ quan an ninh còn trưng ra những chứng cớ nào khác đối với các cáo buộc đó nữa không?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Họ cứ nói là người này người kia tố cáo tôi. Những người đó tả nhân dạng của tôi, và qua điều tra xác minh thì họ xác định người đó chính là tôi.
Trà Mi: Xin anh cho biết người làm việc trực tiếp với anh hôm nay là ai?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Một người tên Bùi Hữu Nghĩa. Một anh tôi nhớ hình như là tên Quốc Hà . Người nữa là đại uý Trần Việt Hà. Một người mặc sắc phục công an quay film cuộc thẩm vấn. Thêm một người cấp trên vào sau đó mà tôi không biết tên. Tổng cộng là 5 người.
Trà Mi: Câu chuyện trao đổi của anh với Cục quản lý xuất nhập cảnh hôm nay hướng giải quyết của họ như thế nào?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Họ vẫn luôn đe doạ là có khả năng cấm vĩnh viễn không cho tôi đi xuất cảnh, công việc làm ăn của tôi và cả tương lai của tôi sẽ không còn gì nếu như tôi không hợp tác với họ trong công tác điều tra. Trà Mi: Cuộc thẩm vấn đi đến kết cục như thế nào thưa anh?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Cuối cùng tôi quá mệt vì 4,5 người tập trung điều tra như thế tôi không thể nào làm việc nổi. Tôi hoàn toàn đuối sức. Cuối cùng tôi đề nghị đựơc kêu bác sĩ hay tạm ngừng buổi làm việc hay cho tôi nghỉ tại đó một lát rồi sẽ làm việc tiếp. Một người dường như là cấp trên ra lệnh ngày mai tiếp tục thẩm vấn. Tôi đồng ý ngày mai gặp mặt lúc 8h sáng.
Cuộc thẩm vấn đó đã đựơc chúng tôi thu lại và tôi đồng ý đưa lên công khai cho dư luận cả thế giới biết cách công an an ninh Việt Nam đã sử dụng để ép cung, bức cung, và chụp mũ người ta như thế nào.
Tôi mong rằng sự thật phải được đưa ra công khai. Những người ủng hộ bênh vực cho tôi chính là những anh em thanh niên trẻ, những người yêu chuộng dân chủ. Nếu cơ quan an ninh có bắt giữ tôi vào ngày mai, tôi mong rằng những người biết được sự thật sẽ bênh vực tôi. Tôi tin rằng chuyện của tôi sẽ được đưa ra ánh sáng.
Trà Mi: Anh có quan ngại sẽ có những điều bất lợi tiếp tục xảy ra đối với anh sau khi anh phổ biến đoạn băng ghi âm đó ?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Tôi đã chấp nhận vì đó là sự thật. Bởi lẽ chính nhân viên an ninh đã không thể đưa cho tôi bất kỳ giấy tờ văn bản nào, kể cả giấy mời triệu tập. Thậm chí khi thẩm vấn cũng không cho tôi biết chức danh họ là gì.
Trà Mi: Thế họ có biên bản làm việc không ?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Hoàn toàn không có biên bản làm việc gì cả, chỉ với máy quay camera và một máy ghi âm để trên bàn.
Trà Mi: Anh có yêu cầu họ đưa văn bản không?
Doanh nhân Phạm Bá Hải: Tôi có đòi hỏi nhưng không thể được. Khi họ trình giấy mời cho tôi thì không có cả tên của người ký và không có mộc đóng dấu. Tôi cũng yêu cầu họ cho bản sao của tờ giấy đó, họ cũng từ chối.
Tôi là một nạn nhân, một doanh nghiệp về Việt Nam tìm hiểu thị trường và mở văn phòng đại diện cho công ty, vì tôi đang làm việc cho 1 công ty nước ngoài. Họ tin tưởng tôi, cử tôi về Việt Nam.
Những sự tiếp xúc với khối dân chủ 8406 vừa rồi là một sự tình cờ. Tôi rất trân trọng và kính phục các anh em dân chủ, và tôi cũng là một trong số những người ký tên ủng hộ khối này trong lúc tôi đang ở nước ngoài.
Tôi mong rằng sự thật phải đựơc đưa ra công khai. Những người ủng hộ bênh vực cho tôi chính là những anh em thanh niên trẻ, những người yêu chuộng dân chủ. Nếu cơ quan an ninh có bắt giữ tôi vào ngày mai, tôi mong rằng những người biết được sự thật sẽ bênh vực tôi. Tôi tin rằng chuyện của tôi sẽ đựơc đưa ra ánh sáng.
Trà Mi: Chúng tôi rất cảm ơn anh Phạm Bá Hải đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Vừa rồi là câu chuyện với doanh nhân Phạm Bá Hải về nội dung buổi thẩm vấn giữa anh với nhân viên an ninh Cục quản lý xuất nhập cảnh ngày 3/8 vừa qua, liên quan đến việc anh bị hoãn xuất cảnh sau khi tham dự bữa ăn tối cùng các thành viên trong khối ủng hộ dân chủ 8406 ở Sài Gòn.
Mời quý vị bấm vào những đường link bên dưới để nghe toàn bộ nội dung cuộc thẩm vấn.
- Bấm vào đây để nghe phần 1 cuộc thẩm vấn này
- Bấm vào đây để nghe phần 2 cuộc thẩm vấn này
- Bấm vào đây để nghe phần 3 cuộc thẩm vấn này
- Bấm vào đây để nghe phần 4 cuộc thẩm vấn này
- Bấm vào đây để nghe phần 5 cuộc thẩm vấn này
- Bấm vào đây để nghe phần 6 cuộc thẩm vấn này
No comments:
Post a Comment