Đây chính là Chú cụt ! Tấm hình do tôi chụp vào khoảng tháng 4/2006 trên đường CMT8, Tp HCM.
Tôi là Phạm Bá Hải, bút danh Trang Thiên Long, sinh ra trong hai tiếng khóc: tiếng khóc của hình hài và tiếng khóc của dân tộc – cuộc tổng tiến công Mậu thân 1968.
Tôi là Phạm Bá Hải, bút danh Trang Thiên Long, sinh ra trong hai tiếng khóc: tiếng khóc của hình hài và tiếng khóc của dân tộc – cuộc tổng tiến công Mậu thân 1968.
Sau 30 tháng 4, hình ảnh thường hay thấy ở hầu như mọi nơi trên miền nam VN là các thương phế binh mất tay chân lê lết ăn xin. Cậu bé 7 tuổi như tôi lúc ấy, đã lưu mãi những cảnh ngộ, những hình ảnh của các anh thương phế binh ấy. Càng lớn lên, cảm nhận càng trở nên thương tâm, ý thức càng thúc giục: phải góp sức mình mang lại công lý cho các anh thương phế binh VNCH!
Chúng tôi thành lập Bạch Đằng Giang Foundation ngày 23/12/2005. Một trong những mục đích và nhiệm vụ của nó là BDGF trợ giúp cho các thương phế binh VNCH. Tháng 9 năm 2006, chúng tôi bị chính quyền CSVN bắt và đã bị truy tố hai năm sau đó. An ninh VN quát tháo với tôi trong tù rằng “Không được giúp đỡ phế binh ngụy, chúng là bọn bán nước”. Tại phiên tòa sơ thẩm, viện kiểm sát kết tội rằng qua hình thức hổ trợ cho các thương phế binh VNCH, tôi gây kích động nội chiến. Ngày 8 tháng 8 năm 2008, tại phiên tòa phúc thẩm Tp. HCM tôi đã nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án:
“Vừa qua, chính phủ VN đã cho phép Thiền sư Thích Nhất Hạnh mở một buổi cầu siêu cho vong linh những người đã mất trong chiến tranh, kể cả người nước ngoài. Việc này đã tạo niềm an ủi cho hàng triệu gia đình có người thân đã chết trong chiến tranh. Tuy nhiên, vẫn còn một lớp người, họ chưa chết, họ sống lây lất ở đầu đường xó chợ, không nhà không cửa, họ sống bên lề xã hội, đó là các thương phế binh VNCH. Đây là vấn đề do lịch sử để lại, một khoảng trống nhân đạo cần phải san lấp, bằng tình thương và lòng vị tha!”
…“Tội của Bạch Đằng Giang Foundation là góp công sức và tiền bạc của mình, hoạt động nhân đạo, thực thi công bằng xã hội, tội của chúng tôi là chỉ ra sự thua kém và lạc hậu so với các nước lân bang, và sự thấp kém của giá trị quyền làm người VN trong cộng đồng văn minh nhân loại. Tội đó là tội yêu nước thương nòi”.
Tòa tuyên y án với năm năm tù giam và hai năm quản chế.
Kính thưa quý Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, lần xem các hình ảnh và hoạt động của Hội cho các thương phế binh, lòng tôi dâng lên niềm hạnh phúc, đã có nhiều và đang có nhiều nữa các hoạt động tôn vinh giá trị của các anh: hãy trả công lý cho các anh! Chúng ta phải hô to khẩu hiệu ấy.
Cũng trong dịp tình cờ, tôi bắt gặp một bài thơ cảm tác khác, từ một bài tôi đã viết về một anh thương phế binh có tựa đề: “Chú Cụt, 30 năm một kẻ ăn mày” vào tháng 6 năm 2006”. Tôi xin trích dẫn:
Cảm tác bài “Ba mươi năm ,làm kẻ ăn mày” của Trang Thiên Long trên Việt Land News ngày 8 thang 6 năm 2006, qua câu chuyện về Chú Cụt, người thương phế binh VNCH. Viết để cảm thông nỗi đau thương của đồng đội bị CSVN ngược đãi sau ngày 30/4/1975..
Ôm nỗi buồn trong cuộc đời linh chiến
Cuộc chiến tàn rồi, tiếp tục đau thương
Ngày Cộng sản đuổi ra khỏi nhà thương
Trong khi vết thương anh còn đẫm máu
Làm kẻ chiến bại, không nơi nương náu
Mang thân tàn lê lết khắp Sài Gòn
Hết Thị Nghè, Bà Chiểu đến Hốc Môn
Suốt ba mươi năm, giữa lòng dân tộc.
Hình ảnh anh, quá đau thương thảm khốc
Lăn lóc cuộc đời với kiếp phế nhân
Quá khứ vương mang số kiếp bạc phần
Thêm thù hận bao trùm do dĩ vãng
Cộng sản bảo anh Nhờ ơn Bác Ðảng
Không giết anh (!)là phúc đức cao dày?
Anh người phế binh, mất cả chân tay
Do quốc nạn, anh thành người bại trận
Cảnh người với người, quá ư tàn nhẫn
Làm kẻ ăn mày cũng bị rẻ khinh
Lê thân tàn đau tủi giữa thị thành
Anh cố sống để tìm ra chân lý?
Quê hương này hơn phần tư thế kỷ
Cuộc chiến tàn rồi, đầy dẫy đau thương
Ði lang thang qua đầu phố cuối đường
Mong tìm kiếm tình thương cho kiếp sống
Anh ngẩng nhìn, tìm đâu ra huyết thống
Ðã ba mươi năm sống kiếp ăn mày
Xin tình thương mà chẳng thấy bóng ai
Ôi! lòng dạ con người sao ghê tởm!
Buổi về quê hương, một ngày nắng sớm
Bổng chợt nhìn anh, cảnh quá đau lòng
Nhìn người thương binh động vết thương tâm
Không còn thấy tình người hay nhân bản
Dừng lại nơi đây, nhìn vào dĩ vãng
Cuộc chiến năm xưa cốt nhục tương tàn
Bao nỗi hận thù còn đó chưa tan…
Không nhân tính? Sao giải hòa dân tộc?
Thanh Khâm.
Tôi cảm ơn tác giả nhiều lắm! Bài viết "Chú Cụt - 30 năm một kẻ ăn mày" chắc giờ đã không còn, nhưng nhà thơ giàu xúc động Thanh Khâm đã làm cảnh ngộ tôi gặp người thương phế binh ấy như sống lại từ quá khứ và nó sẽ sống mãi.
Không biết giờ người anh hùng “Chú Cụt” đó có còn sống hay đã đi về nơi hồn thiêng sông núi?
Phạm Bá Hải.
Sài Gòn, 29/10/2011
No comments:
Post a Comment