21 November 2011

NỖI NHỤC của CHXHCN VN trên ĐƯỜNG CHẠY ĐUA với ĐÀI LOAN và HÀN QUỐC (1)



Bài 1: Cơ Hội Vượt Lên Đã Bị Tước, 1954-1975.

      Sau Thế chiến thứ hai, cục diện thế giới chia ra làm hai khối rõ rệt. Hoa Kỳ và Liên Sô dẫn đầu mỗi khối, mở rộng tối đa tầm ảnh hưởng lên các nước, tranh nhau từng lảnh thổ, hình thành cuộc chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang. Chưa có sự rõ ràng có thể khẳng định được tính ưu việt của mô hình kinh tế nào sẽ hơn vào cuối những năm 40, ngoại trừ sự tuyên truyền cố hữu của CSVN.
      Tuyên ngôn của Đảng năm 1951 viết: “…Thế giới ngày nay đã chia thành hai phe rõ rệt:
      Phe đế quốc phản dân chủ do Mỹ cầm đầu, gồm các nước đế quốc và các chính phủ phản động tay sai của đế quốc, chúng mưu cướp nước người ta hòng làm chủ thế giới, đàn áp phong trào giải phóng của các dân tộc và phá hoại hòa bình, dân chủ thế giới, định gây chiến tranh thứ ba, đưa loài người vào chỗ bi thảm, khốn cùng.
    
  Phe dân chủ chống đế quốc do Liên Xô lãnh đạo, gồm các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân, các dân tộc bị áp bức, nhân dân lao động và những người tiến bộ ở những nước tư bản. Họ ra sức kiến thiết quốc gia, đấu tranh giải phóng dân tộc, gìn giữ độc lập, bảo vệ hoà bình và dân chủ thế giới, mưu cho loài người ngày thêm đoàn kết, tiến bộ và hạnh phúc.
      Phe dân chủ đã mạnh hơn phe đế quốc. Liên Xô ngày thêm cường thịnh. Các nước dân chủ nhân dân kiến thiết mau chóng, cách mạng Trung Quốc thành công và nhân dân Triều Tiên kháng chiến thắng lợi, đó là những chứng cớ hiển nhiên.
Nước ta, dân ta đứng về phe dân chủ “. ̣̣(hết trích).

      Sau Hiệp định Geneve, miền Bắc tiến hành cải tạo kinh tế xã hội theo đường lối XHCN. Nhìn lich sử xã hội bằng những mâu thuẩn, hận thù, và giải quyết vấn đề mâu thuẩn bằng chuyên chính vô sản tàn bạo nhất. Ba triệu đồng bào tị nạn tản cư vào Nam.
      Tổng kết 6 năm xây dựng miền Bắc XHCN, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng 25,1%, nông nghiệp tăng 11,2%. Diễn văn Đại hội Đảng lần III, 1960 kết luận: “...Từ một nền sản xuất nông nghiệp vốn rất thấp kém, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chỉ trong 5 năm sau khi lập lại hòa bình, miền Bắc nước ta đã tiến lên hàng đầu trong các nước Đông Nam Á về năng suất lương thực bình quân mỗi hécta và sản lượng lương thực tính theo đầu người,...” (hết trích). Mặc dù nhận được viện trợ to lớn từ Liên Sô, Trung Quốc và các nước XHCN khác, sự thật, đời sống người dân miền Bắc cơ cực như thế nào: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Hệ thống XHCN đang đuối sức trên toàn cầu. Mô hình kinh tế phát triển công nghiệp nặng của Liên Sô, những thành tựu tập trung này chỉ nhằm tuyên truyền, che dấu sự yếu kém, nghèo nàn, thiếu thốn trong đời sống tổng thể của người dân.

      Trong khi đó, Đài Loan cũng có xuất phát điểm giống như Việt Nam. Năm 1945, lượng 1,6 triệu dân quân chạy vào Đài Loan làm cho hòn đảo vốn đã tan hoang vì chiến tranh thêm bi đát nghiêm trọng. Hàng hóa thiếu thốn, không việc làm, giá cả tăng liên tục, siêu lạm phát khiến giá trị đồng tiền chỉ hơn mảnh giấy vụn. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên xảy ra năm 1950, Hoa Kỳ tái viện trợ quân sự và kinh tế cho Đài Loan.
      Với sự tiếp sức này, chính phủ Tưởng Giới Thạch lập tức ổn định kinh tế xã hội bằng nhiều chính sách. Phát triển nông nghiệp mạnh, không những đủ cầu trong nước, mà còn để xuất khẩu, như đường, gạo, trà, chuối sang Hoa Kỳ và Nhật. Đồng thời, áp dụng nhiều biện pháp kinh tế để phát triển công nghiệp: thành lập các xí nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu và những mặt hàng thay thế nhập khẩu; bảo vệ phát triển công nghiệp trong nước bằng các chính sách bảo hộ mậu dịch. Đến năm 1962, cơ cấu nền kinh tế Đài Loan đã chuyển đổi từ một nước nông nghiệp sang thành một nước công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 9,2%, cao nhất thế giới lúc bấy giờ. Từ năm 1963 đến 1980, các nước lại kinh ngạc nhìn thấy một Đài Loan tăng trưởng bình quân hằng năm 10%, họ nhắc đến Đài Loan như là “ thời đại công nghiệp”.

      Kinh tế Hàn quốc sau 1945 là vấn đề sống còn của quốc gia. Tài nguyên thiên nhiên 90% ở Bắc Hàn, thị trường nội địa chưa có, không kinh nghiệm phát triển kinh tế. Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, chỉ làm kéo dài thêm trì trệ và bất ổn kinh tế.
      Với sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ và viện trợ kinh tế, Hàn quốc bắt đầu chinh phục thế giới bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 7,6%, liên tục 40 năm. Thu nhập GDP theo đầu người từ 67 đô la năm 1953, tăng lên 10 543 đôla vào năm 1996.
       Chiến lược phát triển công nghiệp của Hàn quốc bắt đầu từ thập niên 60. Chính phủ chuyển đổi chiến lược kinh tế từ chính sách sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu sang chiến lược sản xuất hàng hóa xuất khẩu: tận dụng tối đa nguồn lao động rẽ, duy trì lãi xuất cao để khuyến khích người dân tiết kiệm tái đầu tư, đề ra Luật khuyến khích tư bản nước ngoài. Vào năm 1962, có tới 83% vốn nước ngoài trong nền công nghiệp Hàn quốc. Nhưng do kế hoạch kinh tế hiệu quả, xuất phát từ nhu cầu thị trường kinh tế thế giới, nên chỉ trong vòng không quá 10 năm, Hàn quốc đã đạt được lượng xuất khẩu hàng hóa đủ để trả nợ nước ngoài.
     
      Hơn thế nữa, do triển vọng thị trường thế giới, năm 1973 chính phủ tuyên bố kế hoạch phát triển công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng. Bao gồm các máy móc kỷ thuật phức tạp, máy phát điện, máy móc hạng nặng, máy diesel, công nghệ đóng tàu, kỷ nghệ xe hơi. Kết quả là giai đoạn năm 1973-1978, tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 11,2%.
Đài Loan và Hàn quốc, từ những nước nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn, đã trở thành những nước công nghiệp, đời sống người dân không ngừng tăng lên, xã hội phồn thịnh, văn hóa phong phú, sặc sỡ. Trong hoàn cảnh đó, Đại hội Đảng kỳ IV năm 1976, khẳng định: “ ... Từ những người dân mất nước, nhân dân ta đã anh dũng vùng lên, lần lượt đánh bại sự xâm lược của nhiều đế quốc vững mạnh, lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật, đập tan chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp và nay lại chiến thắng chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, đưa nước nhà bước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội . Với những chiến công hiển hách ấy, nhân dân ta xứng đáng đứng vào hàng các dân tộc tiên phong đấu tranh cho những lý tưởng đẹp đẽ của loài người, góp phần tích cực thúc đảy tiến trình cách mạng thế giới...”. (hết trích).
     
      Dân tộc Việt Nam có muốn hy sinh, lao vào chiến tranh để thúc đẩy tiến trình cách mạng thế giới hay chăng? Để cơ hội chạy đua theo Nhật đã vuột mất, lại tiếp tục tụt hậu so với Đài Loan và Hàn quốc? Sự hiếu chiến và tàn bạo của CSVN đã gây ra cho đồng bào miền Bắc ra sao suốt 30 năm, lich sử đã ghi rõ. CSVN sao không để đồng bào miền Nam, với bối cảnh tương tự, chăm lo phát triển kinh tế, chạy đua với Đài Loan và Hàn quốc?

Trang Thiên Long (2006)

Kỳ sau, Bài 2: Thống Nhất Đất Nước – Cơ Hội Nghìn Vàng cho Phát Triển?.

No comments:

Post a Comment

Vietnam civil society organizations condemn the recent violence and torture of public security service

Defend The Defnders  | Nov 6, 2014 Translation by  Trang Thien Long Tell The World . To: – The entire Vietnam compatriots at home and...