Con đường Việt Nam | 1/8/2014
Ngày 20/6/2014, tại phiên họp thông qua báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ 2, dưới sự chủ tọa của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tại Genève, chính phủ Việt Nam đã thông báo chấp nhận 182 khuyến nghị trên 227 khuyến nghị do các nước đề xuất. Trong số các khuyến nghị được chấp thuận, có “dành không gian cho truyền thông phi nhà nước, và làm cho các điều 79, 88 và 258 của Luật Hình Sự cụ thể và nhất quán hơn với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế về tự do biểu đạt” của Úc.
Trước sự kiện này, chính phủ Úc đã cùng với Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ đứng ra tổ chức buổi Hội thảo: Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay vào ngày 30/7/2014 tại Đại Sứ Quán Úc, Hà Nội.
Cũng trong thời gian này, ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, đã đến thăm Việt Nam từ ngày 21 đến 31.07.2014 theo lời mời của chính phủ Việt Nam với mục đích tìm hiểu thêm về việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng và những trở ngại đối với quyền cơ bản này tại Việt Nam.
Cả hai sự kiện đều được tổ chức công khai, là cơ hội để chính phủ Việt Nam chứng minh với quốc tế rằng Việt Nam sẵn sàng thực thi các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Thế nhưng, thay vì tạo một môi trường thuận lợi như đã hứa hẹn chính thức với chính phủ các nước, chính quyền Việt Nam lại đã một lần nữa sử dụng biện pháp bao vây, quấy nhiễu, đe dọa và bắt giữ vô cớ nhằm ngăn trở, cô lập công dân Việt Nam đến tham dự các cuộc trao đổi này. Cụ thể, các blogger, nhà báo độc lập, nhà hoạt động dân sự như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải, bà Dương Thị Tân, nhà báo Phạm Chí Dũng, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, Hội trưởng PGHH Lê Quang Liêm, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Huỳnh Phương Ngọc, Phạm Thanh Nghiên, v.v… đã bị gây khó dễ trước và sau khi tham gia các sự kiện này.
Trong bản báo cáo kết quả sơ bộ chuyến viếng thăm của mình, chính ông Heiner Bielefeldt cho biết như sau: “Dự định đi thăm An Giang, Gia Lai và Kon Tum của đoàn không may đã bị gián đoạn từ ngày 28 đến 30/7. Tôi nhận được những thông tin đáng tin cậy là một số cá nhân tôi muốn gặp đã bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ, cảnh cáo, đe dọa, sách nhiễu hoặc bị công an ngăn cản việc đi lại. Ngay cả những người đã gặp được tôi cũng không tránh khỏi việc bị công an theo dõi hoặc chấn vấn ở một mức độ nhất định. Ngoài ra, việc di chuyển của tôi cũng bị giám sát chặt bởi “Những cán bộ an ninh hoặc công an” mà chúng tôi không được thông báo rõ, đồng thời sự riêng tư và bảo mật của một số cuộc gặp gỡ cũng bị ảnh hưởng. Những việc này là sự vi phạm rõ ràng các điều khoản tham chiếu của bất kỳ chuyến thăm quốc gia nào.”
Dân tộc Việt Nam đang ở khúc quanh quyết định của những chuyển biến cần thiết trong chính sách đối ngoại và đối nội nhằm đoàn kết, ổn định lòng dân, tranh thủ được hỗ trợ của quốc tế để vượt qua những khó khăn về kinh tế và an ninh biển đảo. Nhưng những động thái của chính quyền qua hai sự kiện trên thực sự đã gây nhiều thất vọng.
Rõ ràng việc ra sức ngăn chặn công dân Việt Nam tham gia những hoạt động hội thảo và trao đổi về Quyền Con Người này không những không giúp cho chính phủ Việt Nam cải thiện hình ảnh của mình trước con mắt quốc tế, mà ngược lại càng khiến cho người ta thấy những cáo buộc vi phạm nhân quyền dành cho Việt Nam từ trước tới nay là có cơ sở. Chỉ có sự chân thành và nỗ lực cải thiện nhân quyền thực sự mới giúp cho chính quyền lấy lại lòng tin vào lúc này.
Trước sự việc này, Con Đường Việt Nam tuyên bố:
Chúng tôi cực lực phản đối các hành xử tiêu cực, bội tín, thiếu minh bạch, tước đoạt các quyền con người cơ bản của công dân mình của các cấp chính quyền Việt Nam. Các hành vi này rõ ràng xem thường luật pháp, chà đạp lên chính hiến pháp Việt Nam, phản bội những cam kết đã ký với quốc tế, không xứng đáng là một thành viên có trách nhiệm của LHQ, đặc biệt với tư cách là một trong 47 quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 có sứ mạng thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới.
Chúng tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam lập tức chấm dứt tất các hình thức sách nhiễu lập đi lập lại này trong nhiều năm qua, hãy đối thoại với công dân mình ngay cả những ý kiến khác biệt chứ không phải chỉ hành xử tuỳ tiện bịt miệng bằng cách bắt bớ và bỏ tù vô cớ vốn chỉ mang lại những kết quả hạn chế tiêu cực trước mắt nhưng xói mòn niềm tin của người dân vào luật pháp và tự đặt mình vào vị trí thiếu chính danh.
Chúng tôi kêu gọi các công dân Việt Nam khác không sợ hãi trước những bức hại, tiếp tục mạnh dạn hành xử quyền con người của mình trong tư cách là công dân một nước thành viên LHQ có trách nhiệm chia sẻ, bảo vệ các quyền con người phổ quát và thiêng liêng của nhân loại tiến bộ.
TM. Con Đường Việt Nam
Lê Quốc Tuấn,
Phát Ngôn Nhân
Lê Quốc Tuấn,
Phát Ngôn Nhân
No comments:
Post a Comment